Điểm thú vị duy nhất của mùa đông mà mình thấy ở một đất nước hàn đới (hoặc ôn đới) là ngắm tuyết rơi và đi trượt tuyết.
Đến hẹn lại lên, tuy hơi muộn nhưng năm nay mình cũng cố gắng sắp xếp thời gian làm một chuyến trượt tuyết cuối tuần.

Nhiều bạn lần đầu mới đi hay hỏi mình trước khi đi phải chuẩn bị những gì.
Mình xin tổng hợp kinh nghiệm bản thân cho những ai quan tâm.

Chi phí

Khá khó để tổng hợp một con số cụ thể cho chi phí của một tour đi trượt tuyết là bao nhiêu. Giá cả còn tùy thuộc vào thời điểm (đầu mùa hay cuối mùa, trong tuần hay cuối tuần…), phương tiện di chuyển, khách sạn … Mình chỉ xin đưa ra ví dụ, mình hay đặt các bus tour giá rẻ của các hãng uy tín như Travex hay Orion.
Chi phí cho những bus tour như thế này dao động vào khoảng 8 sen → 1 man cho tour 1 ngày, 1 man 3 → 1 man 8 cho tour 2 ngày. Đã bao gồm phí thuê đồ (ván trượt, giày trượt, wear), vé đi lift, tiền ở khách sạn, và một bữa ăn tối (nếu là tour 2 ngày).

Ngoài bus tour còn có những lựa chọn khác như đi bằng ô tô tự lái, hoặc đi bằng tàu điện. Với 2 cách này thời gian sẽ chủ động hơn một chút, nhưng giá thường mắc hơn một chút.

Thời gian

Với những ai tham gia bus tour, bus sẽ không chờ nếu bạn đến muộn nên việc sắp xếp kế hoạch để có mặt đúng giờ là điều tối quan trọng.
Các địa điểm tập trung thường ở các bus terminal, cách hơi xa ga (đi bộ tầm 10 - 15 phút tuỳ địa điểm) nên cần tra trước đường đi để tính thời gian cho hợp lý.
Với những bus tour đi sáng, thời gian tập trung thường khá sớm (6 - 7h sáng). Cần chú ý lên chuông đồng hồ dạy đúng giờ kẻo lỡ giờ xuất phát.

Đồ đạc

Tuỳ theo bạn dùng đồ của mình hay thuê mà đồ đạc cần chuẩn bị ít hay nhiều.

1. Ván, gậy trượt, giầy

Mấy món này trừ dân chuyên hay những người đi nhiều mới mua, còn lại hầu hết là thuê. Phí thuê thường bao gồm luôn trong tour. Lúc thuê thường họ bắt mua thêm bảo hiểm cho món đồ (tầm 500 yên 1 ngày). Thật ra có thể từ chối không mua bảo hiểm nhưng mình khuyên là nên mua vì hên xui thuê phải đồ lởm, bị hỏng bạn sẽ phải đền. Đi tong vài man như chơi.

2. Wear

Đây là quần áo chuyên dụng chống nước, chống lạnh dùng cho trượt tuyết. Đồ này có thể thuê (phí thuê cũng bao gồm luôn trong tour). Nhưng đồ thuê thường xấu, mỏng, chất lượng không tốt. Nếu muốn thuê đồ tốt thường phải upgrade thêm tiền (vài sen). Như mình mình mua luôn một bộ để mặc cho yên tâm.
Có thể mua trên Rakuten giá cả rất đa dạng. Chịu khó search 1 chút có thể tìm được những bộ khá đẹp mà giá dưới 1 man, như bộ bên dưới.

3. Kính, mũ len, găng tay

3 món này thường cũng có thể thuê (tuỳ tour mà mất phí hoặc không), nhưng đồ thuê thường bẩn và cũ nên mình khuyên nên tự mua để xài (giá cũng không đắt).

3.1 Kính (goggles)

Để bảo vệ mắt khỏi tia cực tím, bão tuyết… nhưng cá nhân mình thấy hơi vướng víu nên ít dùng. Giá dao động từ 1 sen đến vài sen. Trên Rakuten có thể tìm được chiếc tầm 1 sen.

3.2 Mũ len

Có thể dùng bất kỳ mũ len nào bạn có. Nếu có điều kiện có thể mua mũ loại dày và đẹp như bên dưới.

3.3 Găng tay

Cần mua loại giữ ấm, chống nước. Giá dao động tầm 1 sen.

4. Mũ bảo hiểm

Cái này mình thấy trẻ con hay dùng, người lớn thì ít dùng hơn. Ai tập nhảy thì cần, có thể thuê được, hoặc nếu muốn mua để sử dụng lâu dài có thể tham khảo loại bên dưới.

5. Khăn quàng cổ, che mặt chống lạnh

Cái này dùng loại khăn quàng bạn hay dùng là OK. Nếu chưa có thì nên chọn mua khăn như bên dưới, che được cả cổ và mặt.

6. Quần áo mặc bên trong

Khi trượt người bạn sẽ nóng, bộ wear nếu tốt thì cũng giúp phần chống lạnh khá hiệu quả nên mình khuyên không nên mặc quần áo bên trong quá nhiều. Mình thường mặc một áo heattech uniqlo và 1 áo len (hoặc áo nỉ) bên trong. Quần thì cũng mặc một quần nỉ thể thao bên trong.
Năm kia mình có trang bị thêm một chiếc quần mút chuyên dụng (hình bên dưới), mặc khá sướng, lúc ngã cảm giác rất êm.

7. Tất

Cần chuẩn bị 2,3 đôi. Tất dễ bị ướt nên cơ bản mỗi hôm trượt thay 1 đôi, lúc về thay thêm 1 đôi mới.

8. Đồ ăn

Đồ ăn cho sáng hôm sau nêu đi bus đêm. Cái này ai cẩn thận thì mang thôi, còn không mang thì cũng không sao, có thể mua được dễ dàng trên đường đi.

9. Dây đeo thẻ

Cái này đề phòng trường hợp đồ wear không có chỗ để thẻ lift, dùng nó để đút thẻ vào đeo trước ngực. Cái này mua ở shop 100 yên hoặc dùng chính dây đeo thẻ học sinh, thẻ nhân viên của bạn là được.

10. Máy ảnh, điện thoại

Điện thoại mình thường để trực tiếp vào túi quần của wear, chưa bao giờ thấy có vấn đề gì.
Nếu vẫn lo điện thoại dính nước, có thể mua túi bọc chống nước cho điện thoại ở shop 100 yên, để vào cho an toàn.
Máy ảnh mình thấy mang loại chống va đập, chống nước (dạng như go pro) thì OK, khi không dùng đến có thể dễ dàng đút vào túi quần của wear.

11. Giấy tờ tuỳ thân

Nhớ mang theo giấy tờ tuỳ thân, thẻ bảo hiểm… đề phòng bất trắc nhé.

12. Đồ linh tinh khác

Thuốc, kem chống nắng, sáp nẻ, kairo…. tuỳ nhu cầu của bạn.
Tuỳ theo khách sạn bạn ở mà cần mang thêm hoặc không khăn tắm, khăn mặt, bàn chải… (nhớ check trước nhé).
Mang thêm ít tiền lẻ để mua đồ lặt vặt (nước ở máy tự động), tiền ăn trưa.

Ôn lý thuyết

Nếu có thời gian nên nghiên cứu qua một chút lý thuyết trước khi đi.
Với những người mới là để làm quen trước cho đỡ bỡ ngỡ. Mình lần đầu đi trượt chủ quan không tìm hiểu gì nên phải loay hoay mãi mới biết cách xỏ giày, lắp ván.
Với những người cũ là vừa để ôn lại những kĩ năng cũ, vừa để học thêm kỹ năng mới.
Mình hay xem hướng dẫn ở web này, rất chi tiết cho level từ beginner đến pro.
Đợt tới có thời gian mình xin tổng hợp các kinh nghiệm trượt snowboard trong một bài viết khác.

Chúc mọi người có 1 chuyến đi chơi vui vẻ, ngã ít để không bị ê ẩm vào sáng hôm sau nhé!