Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? của tác giả Rosie Nguyễn theo mình là một cuốn sách hay, nên đọc dành cho những bạn trẻ tuổi hai mươi, tuổi chập chững bước vào đời, với nhiều băn khoăn, trăn trở về cuộc sống, công việc, hoài bão, ước mơ,…

Ở tuổi cuối 20, đầu 30, khi đọc cuốn sách này mình cũng tìm được sự đồng cảm cùng như nhiều lời khuyên bổ ích về những vấn đề đang gặp phải trong cuộc sống.

Các vấn đề được Rosie đưa ra trong cuốn sách là không mới, đã xuất hiện nhiều trong các sách self-help khác của các tác giả nước ngoài. Tuy nhiên mình đánh giá cao cuốn sách ở chỗ với mỗi vấn đề Rosie đều đưa ra các lời khuyên cụ thể và chi tiết giúp người đọc có thể áp dụng được ngay. Cộng với việc Rosie là người Việt, sống ở Việt Nam, nên mọi lời khuyên của cô đều vô cùng phù hợp dành cho độc giả người Việt.

Một ấn tượng nữa khi đọc cuốn sách này là tác giả Rosie thể hiện là một người ham đọc sách và đọc khá nhiều sách. Rosie thường nay trích dẫn các đoạn văn hay, các câu chuyện, hay ví dụ minh hoạ từ những cuốn sách nổi tiếng khác để làm phong phú, củng cố vững chắc thêm cho luận điểm của cô. Thông qua cuốn sách này, mình đã biết đến khá nhiều cuốn sách hay khác và sẽ cố gắng tìm đọc khi có thời gian.

Nếu được đọc cuốn sách này ở tuổi 20, chắc mình sẽ cảm thấy được khai sáng nhiều lắm.
Cảm ơn tác giả về một cuốn sách hay và bổ ích.

Học kinh nghiệm từ Rosie về kĩ năng đọc sách, thay vì việc đọc lướt lấy số lượng như trước đây vẫn làm, từ giờ mình sẽ chú ý đọc kỹ hơn để hiểu sâu nội dung, cố gắng tóm lược, ghi chép lại các ý hay của từng cuốn sách sau khi đọc để nhớ lâu và có thể dễ dàng xem lại đi cần.

Sau đây là những ý mình thấy hay trong cuốn sách.

1. Đầu tư cho sức khoẻ

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại nhắc đến chuyện rèn luyện sức khoẻ ngay ở những trang đầu của cuốn sách.

Luyện tập thể lực trước hết là đem lại một sức khỏe tốt, giúp tinh thần hưng phấn, đào thải chất độc bị hấp thụ từ môi trường sống ô nhiễm và thực phẩm độc hại. Một cơ thể lành mạnh là điều kiện tiên quyết để có một cuộc sống tốt.

Làm gì thì làm đầu tư cho sức khoẻ vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất. Tuổi trẻ mà không khoẻ thì đến khi có tuổi càng đáng lo ngại hơn.
Tuy không có điều kiện tập thể thao thường xuyên, mình cũng luôn cố gắng duy trì tuần 1, 2 buổi gym. Sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để tăng dần số buổi.

2. Đọc sách

Là một người mê đọc sách, tác giả dành cả 1 chương để nói về ích lợi của sách và các kỹ năng đọc sách.

Sách cho ta kiến thức, cho ta động lực, cho ta mơ về những nơi xa hơn. Sách giúp mở ra một thế giới tốt đẹp hơn, những con người tốt hơn, và cả một phiên bản tốt hơn của chính ta. Nói không ngoa, sách là cả thế giới.

Về số lượng, con số 50 cuốn/năm (tức là tầm 1 tuần 1 cuốn) có lẽ hơi quá sức với những người đã có gia đình lại lười đọc như mình (giờ chăm lắm thì được 1 tháng 1 cuốn). Nhưng dù sao lấy con số này làm mức phấn đấu cũng tốt. Có sự thay đổi về lượng mới dẫn đến sự thay đổi về chất.

Về chất lượng, mình đồng ý với quan điểm phân loại sách nên đọc và không nên đọc của tác giả. Những thể loại như diễm tình, kiếm hiệp, tiên hiệp… nói là tránh xa thì cũng không nên, có lẽ chỉ nên đọc vài cuốn cho biết, không nên để bị xa đà.
Trang goodreads.com khá có ích để tìm hiểu trước về sách trước khi đọc. Ngoài ra thì search qua Google cũng được.

Để nhớ lâu, việc note lại các ý hay trong sách là cần thiết, trước giờ mình chả bao giờ làm nên thường đọc xong là quên ngay.

A reader lives a thousand lives before he dies. The man who never reads lives only one.

  • George R.R Martins

3. Về chuyện học hành

Học hành qua trường lớp không quyết định thành công hay thất bại của bạn. Đó không phải con đường duy nhất để đến với tri thức.
Đó là điều tác giả muốn nói.
Điều này thì quá đúng rồi, khỏi phải bàn cãi.

Có vô số cách để tự học:

  • Đọc sách
  • Học qua internet: MOOC
  • Tự mày mò, hỏi han người có kinh nghiệm…

Để bắt đầu học một điều mới, thay vì nghĩ phải đến trường lớp trình quy để được đào tạo, hãy tự tìm tòi, tự học trước.

4. Sống đúng với tiềm năng của mình

Phần này tác giả có nếu ra các cách để tìm hiểu bản thân cũng như chọn nghề phù hợp qua việc làm cái bài trắc nghiệm như MBTI, John Holland…
Phù hợp cho những bạn trẻ đang băn khoăn tìm định hướng cho tương lai.

Mình đã qua tuổi này nên cũng không tìm hiểu sâu.
Chỉ thấy đồng ý với tác giả ở điểm, thay vì mãi tìm một việc thật hợp với mình, hay yêu chính công việc mình đang làm, tìm ra cái hay, cái đẹp trong đó. Câu chuyện về người nghệ nhân làm sushi tên Jiro là một ví dụ.

Những việc mà ta thường hay bỏ lãng, phần nhiều là những việc ta làm mà không thích. Nhưng nếu cứ làm đi làm lại mãi, rồi thì với thói quen, dần dần ta cũng thấy thú vị. Tuy trước không thích nhưng quen rồi thì việc gì cũng trở nên hứng thú được. Nhiều kẻ vì mục đích sinh nhau mà phải làm một nghề mình không thích. Nhưng chầy năm chầy tháng, thói quen làm cho họ lại thích nghề ấy. Có thấy được hứng thú vì công việc bấy giờ sẽ trở nên dễ dàng, sự chú ý đối với nghề nghiệp càng ngày càng tinh thêm.
Óc sáng suốt - Nguyễn Duy Cần

5. Sức mạnh của thói quen

Có khá nhều cuốn sách nói về chủ đề này, chung quy lại thói quen là điều ta làm đi làm lại nhiều lần, ảnh hưởng lớn đến bản thân ta. Vì thế việc tránh những thói quen xấu, phát triển thói quen tốt là vô cùng quan trọng.

Thói quen không phải dễ dàng mà tạo dựng ngay được, cần phải thay đổi từ từ, từng chút một.

Các thói quen sau mình sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian tới:

  • Dành nhiều thời gian để đọc sách mỗi ngày: khi đi tàu, trước khi đi ngủ…
  • Cố gắng đọc sách gốc thay vì sách dịch để tăng vốn ngoại ngữ.
  • Mỗi lần đọc sách, ghi chú lại các ý hay trong sách, viết review sách vừa để chia sẻ vừa để giúp mình nhớ lâu.
  • Ăn đúng bữa, đúng giờ.
  • Tập gym, thể dục thể thao ít nhất 2 buổi 1 tuần.

Từ bỏ các thói quen xấu:

  • Thức khuya
  • Dậy muộn
  • Ăn tối muộn
  • Chơi game
  • Xem tivi, đọc sách báo giết thời gian