Bí mật của vua Solomon, sách dịch từ bản gốc tiếng Anh The Solomon Secret của 2 tác giả Bruce Fleet và Alton Gansky.

Nghe tên tựa có vẻ huyền bí nhưng thực chất tác giá thông qua các câu chuyện của vua Solomon, để nói về các nguyên tắc, bài học về vấn đề tài chính, đầu tư, làm giàu…
Ở bản dịch tiếng Việt, nhà xuất bản đặt thêm phụ đề là: 7 nguyên tắc thành công về tài chính của người giàu nhất trong lịch sử nhân loại.

Vài nét về vua Solomon

Solomon, là vị vua thứ 3 của đất nước Do Thái Israel, sống trong khoảng thế kỷ 10 TCN. Kinh thánh miêu tả ông là một người có trí tuệ, quyền lực và vô cùng giàu có.

Vị vua này sống cách chúng ta hơn 3000 năm, nên không ai ước tính được khối tài sản thực của vị vua này trị giá bao nhiêu, có thực là người giàu nhất lịch sử nhân loại hay không, chỉ biết là theo kinh thánh thì vị vua này rất giàu có.
Vị vua này còn nổi tiếng với hậu cung gồm 700 vợ và 300 tì thiếp. Quá khủng!

Theo kinh Cựu Ước, sự khôn ngoan của vua Solomon là do Chúa Trời ban tặng (đã được Chúa ban tặng thì chất lượng khỏi phải bàn rồi).
Khi lên ngôi trị vì khi còn nhỏ tuổi, Solomon đã xin sự giúp đỡ của Chúa Trời. Không cầu xin sức mạnh, quyền lực hay trường sinh, Solomon cầu xin sự khôn ngoan.
Bằng sự khôn ngoan mà Chúa Trời ban tặng, Solomon đã có cả sức mạnh, quyền uy và sự giàu có.

Vài nét về cuốn sách

Cuốn sách kể về việc vua Solomon dạy dỗ cho cậu nhóc Abidan, người được vua hứa bảo trợ.
Qua lần lượt 7 câu chuyện, tác giả phân tích các bài học từ vua Solomon và từ đó áp dụng vào cuộc sống hiện đại, vào đầu tư tài chính và làm giàu.

Các bài học được nêu ra theo mình là không mới.
Có thể tìm thấy các bài học tương tự trong các cuốn sách nổi tiếng khác như Think and grow rich hay Rich dad, Poor dad
Nhưng mình thích cuốn sách này ở cách tiếp cận vấn đề thú vị qua các câu chuyện của vua Solomon.
Cuốn sách chỉ tầm hơn 200 trang nên đọc cũng nhanh, phù hợp với những người lười đọc sách dày như mình.

Tóm tắt các bài học rút ra từ sách

1. Làm việc gì cũng cần lập kế hoạch

Nếu không có kế hoạch ta sẽ không thể biết được đâu là đích đến, đâu là đường đi để đến đích.
Ngẫm lại thì thấy mình chỉ giỏi lên kế hoạch thực hiện những việc nhỏ. Còn những việc lớn đại sự thì hầu như là không có kế hoạch, mặc cho sự việc tự biến chuyển.

Các lời khuyên trong sách:

  • Suy nghĩ về những điều mình muốn đạt được, hình dung ra bản thân sau khi đạt được những điều đó (ví dụ như khi nào nghỉ hưu, có bao nhiêu tiền, sống ở đâu…)
  • Nếu cảm thấy thích thú thoải mái về những mục tiêu đó, lập kế hoạch để thực hiện nó. Thay vì giữ trong đầu cần viết kế hoạch đó ra để có thể nhìn thấy và kiểm tra tiến độ thường xuyên, update liên tục.
  • Mọi điều lớn đều bắt đầu từ những điều nhỏ. Học cách tiết kiệm từng chút một, không nên coi thường các món tiền nhỏ.

2. Có trách nhiệm với các vấn đề tài chính của mình

Cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đầu tư hay làm bất kỳ điều gì.
Lấy ví dụ như việc đầu tư chứng khoán, ta cần tìm hiểu kỹ rồi mới ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Không nên quyết định chỉ dựa trên lời khuyên của bạn bè, hay bất kỳ nhà đầu tư nào.
Nghe theo lời khuyên là tốt, nhưng chỉ nên dừng lại ở mức tham khảo.

Các lời khuyên trong sách:

  • Lên kế hoạch bổ sung các kiến thức về tài chính, đầu tư nếu cần thiết.
  • Muốn thành công trong vấn đề gì phải chú tâm vào vấn đề đó. Nếu muốn thành công trong vấn đề tài chính, trước hết phải chú tâm vào nó trước đã.
  • Tiền bạc cũng chỉ là công cụ để ta thực hiện mục tiêu của mình.

Ai quá yêu quý tiền bạc thì không bao giờ có đủ tiền bạc.
Ai quá yêu quý sự giàu có thì không bao giờ hài lòng với thu nhập của mình.
Solomon

3. Luôn cẩn trọng, luôn hoài nghi

Tác giả đưa ra một số ví dụ về lối chào hàng kiểu bán hàng đa cấp.
Không nên tin vào những trò đầu tư được quảng cáo là quá dễ dàng, không cần làm gì cũng sinh lời…

Các lời khuyên trong sách:

  • Luôn cẩn trọng, trong tài chính không ngại là người hoài nghi.
  • Nếu thấy chương trình đầu tư hơi tốt một chút, hơi dễ dàng một chút, cần đặt ngay dấu hỏi.

4. Tìm đúng nhà tư vấn

Chúng ta không thể biết hết tất cả, vì thế trước các lĩnh vực mới ta cần các nhà tư vấn.
Trong phần này tác giả có đề cập đến sự khác nhau giữa nhà tư vấn ăn hoa hồng và nhà tư vấn thu phí cố định, và khuyên ta chọn nhà môi giới thu phí cố định.

Phần này mình không có kinh nghiệm nên cũng không hiểu rõ về cách so sánh của tác giả. Chắc sẽ đọc lại khi nào thấy cần thiết.

Có một số điểm cần lưu ý được tác giả nêu ra:

  • Không phải nhà tư vấn nào cũng có trách nhiệm với lời tư vấn của mình (vì đó không phải là tiền của anh ta)
  • Các lời tư vấn được đưa ra nhằm nhiều mục đích khác nhau, nhiều khi không có lợi cho người nghe nhưng có lợi cho người nói. (ví dụ như gần đây có nhiều thông tin trái chiều về tiền điện tử, nhằm gây xôn xao dư luận, đẩy giả, dìm giá…)

5. Cần biết chia sẻ và hào phóng

Bài học này nghe có vẻ hơi chút kinh thánh, giáo điều. Nhưng mình thấy cũng đáng để suy ngẫm. Vật chất không thể mua được tinh thần.

Các lời khuyên trong sách:

  • Chia sẻ thời gian, công sức và tiền bạc của bạn cho những người khác mang lại một sự giàu có về tình cảm kéo dài suốt cả cuộc đời.
  • Mọi người đều cần được giúp đỡ. Hãy giúp đỡ người khác khi bạn muốn được giúp đỡ.

Thêm nữa:

  • Cần đặt ra mục tiêu đâu là đủ?

Vì sao ta phải đánh đổi làm một công việc căng thẳng hơn, stress hơn chỉ để kiếm được nhiều tiền hơn trong khi công việc cũ đã đủ mức mà ta cần.

6. Biết cách sống dưới mức mình kiếm được

Đây có lẽ một trong các tiêu chí cần thiết nhất cho kế hoạch nghỉ hưu sớm, và cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Rich dad, Poor dad.
Việc ta kiếm được nhiều tiền hơn đẩy ta đến một lối sống cao cấp hơn, lại khiến ta tiêu nhiều tiền hơn.
Để vượt qua khỏi vòng luẩn quẩn này, yếu tố quan trọng nhất là biết mức đủ của mình, điều chỉnh mức đủ đó xuống dưới mức mình kiếm được. Đừng để bị các lời quảng cáo, mời mọc lừa dối

Một người giả vờ giàu có nhưng chẳng có thứ gì.
Còn người khác giả vờ nghèo nhưng lại có rất nhiều tài sản.
Cách ngôn 13:7

Người không hài lòng với những gì mình có cũng sẽ không hài lòng với những cái mà mình chưa có.

Socrates Triết gia Hy Lạp

7. Chậm rãi và chắc chắn

Tác giả mở đầu bài học cuối cùng này bằng một câu nhận định khá chuẩn xác.

Trừ khi bạn có được sự may mắn, hoặc bạn có một ông bác giàu có, người thích bạn nhất vừa mới chết; còn không thì phải mất một thời gian rất dài bạn mới có thể tích lũy được nhiều tiền.

Theo tác giả, con đường dẫn đến thành công tài chính là rất dài, cần những bước đi vững chắc.
Có vô số các bài học về những người giàu lên quá nhanh như trúng số độc đắc, hay thừa hưởng gia sản… nhưng sau một thời gian lại quay về con số 0.
Việc quan trọng nhất là tích luỹ cho mình các bài học trong hành trình tìm kiếm thành công.

Cần trả lời được câu hỏi:
Mình đã sẵn sàng và đủ kiên nhẫn đi đến cùng trong hành trình dài này không?

Đánh giá chung

Sách hay