Đi tìm lẽ sống (tựa tiếng Anh: Man’s search for meaning) xuất bản lần đầu tiên năm 1946, 1 năm sau kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, cũng là 1 năm sau khi tác giả Viktor Frankl được thả tự do sau quãng thời gian gần 1 năm bị giam trong các trại tập trung người Do Thái của Đức quốc xã.

Cuốn sách gồm 2 phần:

  • Phần 1 là những trải nghiệm của tác giả về quãng thời gian sống trong trại tập trung. Tác giả với con mắt của một bác sỹ tâm lý (cũng là một người tù) phân tích tâm lý của những người tù, từ đó tìm ra điểm khác biệt giữa những người sống sót và nhưng người không. Đó chính là sức mạnh của việc tìm ra mục đích của việc tiếp tục sống, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
  • Phần 2 nói về Liệu pháp ý nghĩa (logotherapy), một phương pháp điều trị tâm lý do tác giả phát minh ra nhằm giúp điều trị cho các bệnh nhân bị các vấn đề về thần kinh, như cảm giác chán nản, mất niềm tin, muốn tự tử… Liệu pháp ý nghĩa hướng con người ta đi tìm giá trị cuộc sống của họ, từ đó biến nỗ lực tìm kiếm trở thành động lực. Tuy nhiên, liệu pháp không có một cách làm tổng quát nào mà tuỳ biến cho phù hợp với từng cá nhân, hoàn cảnh cụ thể.

Đọc phần 1 để thấy rằng cuộc sống của những người dân thường bị tù đày trong các trại tập trung của Đức quốc xã khổ cực đến mức nào. Đó thực sự là những đày ải về cả thể xác và tinh thần mà chúng ta những người sinh ra trong hoà bình khó mà tưởng tượng được, và chắc chắn là khó mà vượt qua được.

Chìa khoá mà tác giả tìm ra để vượt qua những gian khổ đó chính là niềm tin sắt đá vào việc phải tiếp tục sống để làm một việc, hoặc hoàn thành một điều gì đó, mà với tác giả là việc gặp lại người vợ thân yêu của mình.

Tác giả đưa ra một kết luận vô cùng giá trị và đáng suy ngẫm. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, dù cho con người ta bị tước đi tất cả các quyền lợi cơ bản nhất, thì vẫn còn lại một quyền không ai có thể tước đoạt được đó là quyền được tự do quyết định thái độ và cách đương đầu với hoàn cảnh.

Một cuốn sách đáng để đọc và suy ngẫm.