Cuốn Lối sống tối giản của người Nhật được dịch từ sách gốc tiếng Nhật với tựa đề 「ぼくたちに、もうモノは必要ない。」 của tác giả Sasaki Fumio.

Nhìn qua thì thấy tựa tiếng Việt dịch không khớp nghĩa. Tựa tiếng Nhật nếu dịch thẳng nghĩa sẽ là: Chúng ta không cần đồ đạc nữa. Nếu để tên vậy mà bán sách chắc chẳng ai mua, có lẽ vì thế mà dịch giả đưa ra cái tựa nghe khái quát hơn, gắn thêm chữ người Nhật với chữ Nhật in đậm để thu hút những độc giả quan tâm đến văn hoá và con người đất nước mặt trời mọc.
Các bạn Tây thì họ dịch sách qua tiếng Anh lấy tựa là Goodbye, Things (có vẻ khá tối giản).

1. Nội dung sách

Lối sống tối giản (Minimalism) là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn ở mức tối thiếu. Người sống tối giản (Minimalist) sẽ chỉ sở hữu những đồ đạc cần thiết nhất cho cuộc sống của họ, không có đồ đạc dư thừa, một món đồ thường là đa năng, với nhiều tác dụng khác nhau. Qua việc sở hữu ít đồ đạc, người ta sẽ tập trung hơn vào những việc quan trọng khác, cũng như tìm ra hạnh phúc cho bản thân.

Tác giả Sasaki Fumio trong một video phỏng vấn có nói trong nhà anh có tổng cộng khoảng 150 món đồ, ngoài 1 vài bộ quần áo, giày dép, đồ nấu ăn, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi… thì nhà anh ta gần như trống trơn không có đồ đạc, bàn ghế, hay đồ trang trí gì. Cũng vì thế mà trông rất ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng.

Theo tác giả thì Steve Jobs cũng là một tín đồ của lối sống tối giản qua việc ông luôn mặc chiến áo len cổ lọ, quần jeans và đi giày thể thao. Hay các sản phẩm của Apple đều tuân theo quy tắc đơn giản nhưng hiệu quả, với không một chi tiết thừa. Hay tổng thống Obama cũng luôn chỉ mặc bộ vest màu đen vì ông không muốn tốn thời gian vào việc lựa chọn quần áo.

Lý do của việc vứt bỏ đồ đạc

Tác giả đưa ra rất nhiều lý do, lợi ích của việc vứt bỏ đồ đạc, cũng như việc trở thành người sống tối giản, tóm gọn lại có một vài ý chính như sau:

  • Các đồ đạc dư thừa sẽ chiếm một diện tích không nhỏ trong nhà bạn, từ đó khiến cho không gian sinh hoạt của bạn bị thu hẹp. Đồ đạc chính là kẻ sống chung nhà với bạn nhưng không trả tiền nhà. Chưa kể việc có quá nhiều đồ đạc sẽ dễ khiến bạn lười dọn dẹp, bắt đầu của lối sống cẩu thả.
  • Khi có ít đồ đạc, bạn sẽ dễ dàng quản lý đồ đạc của mình, không phải mất thời gian tìm kiếm, hay chọn lựa. Từ đó có nhiều thời gian hơn cho những công việc quan trọng khác. Bộ nhớ, năng lượng, thời gian của con người là có giới hạn. Thay vì dành chúng cho đồ đạc, hay dành chúng cho những việc khác cần thiết hơn.
  • Việc có nhiều đồ đạc dư thừa cũng dễ làm bạn xao lãng, quên việc tập trung vào công việc chính mà mình cần làm.
  • Sẽ không phải lo đồ đạc đè lên người nếu có xảy ra động đất.
  • Hiện nay có vô vàn phương tiện lưu trữ điện tử, từ đó mà ta không cần phải lưu trữ vật lý như trước nữa.
  • Dành ra nhiều thời gian dư dả từ việc vứt bỏ đồ đạc giúp con người ta trở nên hạnh phúc hơn. Tác giả dành khá nhiều trang để bàn về hạnh phúc có được từ việc trở thành người sống tối giản. Khá thú vị.

Tại sao con người lại nhiều đồ đạc

Theo lối suy nghĩ cổ xưa, càng có nhiều đồ đạc càng thể hiện giá trị bản thân. Trong khi đó con người có xu hướng muốn thể hiện bản thân với người khác. Ví dụ như việc trong nhà ta có giá sách với nhiều cuốn sách ta chỉ đọc vài trang rồi bỏ đấy, không hề có ý định đọc tiếp, hoặc những cuốn ta đã đọc xong mà chẳng hề nhớ nội dung. Tuy vậy ta vẫn muốn giữ sách lại nhiều khi chỉ để muốn thể hiện ta có nhiều kiến thức.

Các quy tắc vứt bỏ đồ đạc

Tác giả đề ra 55 quy tắc giúp việc vứt bỏ đồ đạc trở nên dễ dàng. Quy tắc thì nhiều tuy nhiên có thể điểm một vài ý chính như sau:

  • Cần làm rõ tư tưởng, lợi ích của việc vứt bỏ đồ đạc.
  • Cần tiến hành ngay và luôn, một lúc nào đó thường sẽ không bao giờ xảy ra. Sau khi vứt đồ, thường bạn sẽ quên luôn và chả bao giờ còn thấy hối tiếc món đồ đã vứt.
  • Có thể tiến hành vứt đồ theo thứ tự:
    Đồ rác, hỏng hóc.
    Đồ trong nhà có nhiều.
    Đồ không dùng trong một năm: thì sẽ chả bao giờ dùng đến.
    Đồ sắm không theo nhu cầu của mình mà theo cách nhìn của người khác.
  • Khi vứt đồ đừng nghĩ đến giá lúc mua mà tiếc nuối. Coi đó là chi phí cho bài học cần suy nghĩ kỹ trước khi mua.
  • Tranh ảnh, sách báo, bưu thiếp… đều có thể chuyển thành định dạng điện tử để lưu trữ.
  • Sử dụng đồ đạc đa chức năng thay vì mỗi món đồ chỉ sử dụng với một chức năng. Ví dụ như sử dụng điện thoại, máy tính thay đồng hồ, tivi, máy đọc sách…
  • Nếu cảm thấy lãng phí, tiếc rẻ đồ mới, bạn có thể bán lại. Ở Nhật, có thể bán lại đồ qua các trang như Mercari, Rakuma… rất dễ dàng. Ai lập mới tài khoản nhớ nhập code giới thiệu của mình để được nhận point miễn phí nhé.
    Code cho Mercari là WFXWQK, cho Rakuma là C54rf

2. Kết

Việc vứt bỏ đồ đạc hay lối sống tối giản không phải là đích đến.
Qua việc vứt bỏ đồ đạc, ta sẽ thoát ra khỏi suy nghĩ lệ thuộc vào đồ đạc, đánh giá con người thông qua đồ đạc, cũng như có nhiều thời gian hơn tập trung cho những việc quan trọng khác. Từ đó tìm ra được hạnh phúc cho bản thân.

Đây là một cuốn sách hay, tuy khó có thể thực hiện hoàn toàn lối sống tối giản mà tác giả đưa ra, ta có thể áp dụng được một phần vào cuộc sống của bản thân mình, bắt đầu từ việc dọn dẹp nhà cửa, vứt bỏ những đồ đạc dư thừa tạo không gian trống, thay vì việc chỉ dọn dẹp đơn thuần là cất đồ bừa bộn vào tủ.