Nhà lãnh đạo không chức danh - Robin Sharma
Nhà lãnh đạo không chức danh (tựa tiếng Anh: The leader who had no title) là cuốn sách thuộc thể loại Self-help, truyền cảm hứng, xuất bản năm 2010. Mình biết đến cuốn sách này do một người bạn giới thiệu.
Sách được tác giả Robin Sharma (người Canada) viết dưới dạng một câu chuyện giả tưởng, nhân vật chính là anh chàng Blake, quân nhân đã giải ngũ, đang sống những ngày tháng buồn tẻ, làm thủ thư tại một thư viện địa phương. Trong một ngày đẹp trời, anh được người chú là Tommy khai sáng, đưa anh tới gặp 4 người thầy khác nhau, để dạy cho anh các nguyên tắc của tôn chỉ: Lãnh đạo không chức danh, từ đó giúp anh thay đổi suy nghĩ và cuộc sống.
Nhân vật chính trong câu chuyện, Blake, là một anh chàng bình thường, không có tài năng gì nổi bật, lại luôn chịu giày vò tâm lý, ảm ảnh về quá khứ chiến tranh. Với việc giúp Blake thay đổi, đưa anh lên tầm cao mới, tác giả muốn cho ta thấy rằng, tất cả chúng ta dù là ai, nếu biết áp dụng đúng cách phương pháp nêu ra trong cuốn sách thì đều có thể thay đổi và phát triển bản thân theo chiều hướng tốt lên.
Nhìn chung câu chuyện được kể có phần thú vị ở khúc dạo đầu, như việc Tommy yêu cầu Blake đào mộ để lấy tấm bia đá lên, nhưng càng về sau càng trở nên nhàm chán và kém thuyết phục. Hình ảnh 4 người thầy và cách nói chuyện của họ được xây dựng theo mình là có phần hơi gượng ép, thái quá. Có lẽ vì tác giả không giỏi trong việc kể chuyện. Càng đọc về sau, mình càng bỏ qua phần trò chuyện hay mô tả nhân vật, mà tập trung vào các bài học được đưa ra.
Vì là sách Self-help nên nhìn chung khi đọc mình thường đánh giá cao phần bài học hơn.
Nguyên tắc cơ bản xuyên suốt cuốn sách, cũng là tên cuốn sách luôn, là LWT (Lead Without a Title - Lãnh đạo không chức danh): Bạn không cần chức danh để trở thành một nhà lãnh đạo.
Các nguyên tắc, triết lý đưa ra trong cuốn sách khá nhiều, nhiều khi trùng lặp. Tác giả cố đưa ra các từ thuật ngữ viết tắt nhằm giúp người đọc dễ nhớ (các bạn Tây có vẻ thích từ viết tắt), tuy nhiên khi sách được dịch ra tiếng Việt thì việc sử dụng thuật ngữ viết tắt này không còn ý nghĩa lắm. Ai giỏi ngoại ngữ có thể đọc bản gốc tiếng Anh chắc sẽ thấy thú vị hơn.
Nhiều người nói cuốn sách này như thể được viết ra bởi nhân sự của một công ty nào đó. Mục đích chính để mê hoặc, khiến cho nhân viên công hiến hết sức cho công việc mà không màng đến sự đền đáp từ phía công ty. Ý kiến có phần hơi tiêu cực, tuy nhiên khi đọc mình cũng hơi có phần nào cảm thấy như vậy…
Đọc xong cuốn sách, mình không thấy đọng lại được nhiều, có lẽ vì câu chuyện được kể chưa thực sự thuyết phục.
Các ý chính còn nhớ sau khi đọc xong cuốn sách:
- Bạn chính là nhà lãnh đạo của bản thân mình, trước khi lãnh đạo người khác, tập lãnh đạo bản thân mình trước. Nhiều người khi làm lãnh đạo luôn khắt khe với người khác, nhưng lại dễ dãi với bản thân.
- Việc bạn thành công trong việc lãnh đạo bản thân, sẽ gây ảnh hưởng, bạn sẽ trở thành tấm gương cho những người xung quanh.
- Nỗ lực với công việc mình đang làm, vươn tới đẳng cấp tốt nhất thế giới. Nỗ lực cần thời gian. Con số ước chừng cho thời gian bạn cần là 10 nghìn giờ, hoặc 10 năm.
- Làm việc với niềm hăng say, yêu mến công việc mình đang làm dù đó là việc gì (như cô dọn phòng Anna).
- Vượt qua vùng an toàn, giới hạn của bản thân. Thử thách với những điều mới.
- Quan tâm đến những người xung quanh, bạn đồng nghiệp, khách hàng…
- Dành thời gian rèn luyện bản thân: đọc sách, ghi chép, tập thể dục…