Từ tốt đến vĩ đại - Jim Collins
Từ tốt đến vĩ đại, sách dịch từ bản gốc tiếng Anh Good to great của tác giả Jim Collins.
Cuốn sách chỉ ra sự khác nhau giữa công ty tốt và công ty vĩ đại, từ đó giúp người đọc tìm ra cách để đưa một công ty từ mức tốt trở thành vĩ đại. Sách phù hợp cho những doanh nhân, chủ công ty, những người muốn đưa công ty mình đi lên, tạo bước nhảy vọt lâu dài, bền vững.
Tuy không phải là doanh nhân hay chủ công ty, nhưng đọc cuốn sách này mình mong có thêm một góc nhìn thú vị về cách đánh giá các công ty trên thị trường, giúp ích cho việc đầu tư (chứng khoán chẳng hạn).
Tốt là kẻ thù của vĩ đại. Và đó là một trong những lý do chính giải thích vì sao có rất ít điều vĩ đại.
Công ty vĩ đại được tác giả đánh giá là công ty có mức tăng trưởng nhảy vọt và bền vững, cụ thể dựa trên các yếu tố:
- Trong 15 năm, có mức lợi nhuận thấp hơn thị trường chung.
- Có bước nhảy vọt.
- 15 năm tiếp theo có mức lợi nhuận cao gấp hơn 3 lần thị trường chung.
Con số 15 năm thể hiện một quãng thời gian đủ dài, và thường trải qua nhiều hơn một đời lãnh đạo.
Các yếu tố làm nên công ty vĩ đại (theo tác giả):
1. Lãnh đạo cấp độ 5
5 cấp bậc của lãnh đạo được tác giả đánh giá như hình bên dưới.
Cấp độ 5 là cấp độ cao nhất thể hiện ở những đặc điểm như sau:
- Khiêm tốn, nhún nhường.
Những lãnh đạo có cái tôi lớn, dù xuất sắc cũng chỉ dừng lại ở cấp độ 4.
=> Điều này cũng làm cho những lãnh đạo cấp 5 ít được biết đến rộng rãi. - Câu chuyện Tấm gương và cửa sổ:
Họ nhìn ra cửa sổ và cho rằng sự thành công là do các yếu tố không thuộc bản thân họ. Khi mọi việc không được như ý, họ lại nhìn vào gương và tự trách mình, nhận lãnh mọi trách nhiệm. - Quyết tâm cao độ, sẵn sàng làm mọi việc để đưa công ty đến mức vĩ đại.
- Vun đắp, đào tạo người kế nhiệm.
=> Nhiều lãnh đạo là những ngôi sao sáng mang đến thành công cho công ty nhưng khi họ ra đi lại làm cho công ty lụi tàn. Họ không phải là những lãnh đạo cấp độ 5.
2. Con người đi trước, công việc theo sau
Công ty vĩ đại đề cao tuyển người phù hợp.
Phù hợp với cái gì?
Phù hợp với định hướng, phong cách, văn hoá công ty.
Câu ngạn ngữ “Con người là tài sản quý giá nhất” không đúng. Tài sản quý giá nhất là con người phù hợp.
Không tuyển người theo công việc, khi đã có người phù hợp mới quyết định công việc, con đường. Điều này giúp tránh tuyển người không phù hợp nếu sau này công việc thay đổi.
3. Đối mặt với sự thật phũ phàng (nhưng không bao giờ mất niềm tin)
Cơ bản điều tác giả muốn nói ở chương này là các công ty vĩ đại luôn giữ vững niềm tin rằng công ty sẽ thành công, sẽ trở nên vĩ đại nhất thế giới, nhưng cũng luôn đối diện mới mọi sự thật phũ phàng và thực tế hiện tại.
Nhà lãnh đạo phải luôn có nhiều kênh để nắm được các thông tin chính xác nhất về thực tế của công ty.
Lãnh đạo bằng câu hỏi để nhân viên thoải mái đưa ra ý kiến, tranh luận, trao đổi chứ không áp đặt, ra lệnh.
4. Khái niệm con nhím
Con nhím nhìn mọi sự việc bằng con mắt đơn giản, theo một hướng, tận tâm theo hướng đó.
Khái niệm con nhím với công ty vĩ đại là tìm ra được điều thoả mãn cả 3 vòng tròn như hình bên dưới (mình tạm gọi là phần cốt lõi).
Để tìm được hướng đi này, công ty cần thành lập một hội đồng họp thường xuyên để trao đổi, kiểm tra, đánh giá xem công ty đã đi đúng hướng chưa.
Một công ty thường sẽ phải mất đến 5-7 năm để tìm được khái niệm con nhím của mình.
5. Hành động kỷ luật
Công ty vĩ đại = Văn hoá kỷ luật + Tinh thần dám nghĩ dám làm
Văn hoá kỷ luật bắt đầu từ những con người kỷ luật. Công ty vĩ đại tuyển những con người có kỷ luật và không cần phải quản lý.
Cần phân biệt giữa văn hoá kỷ luật và sự kỷ luật mang tính áp đặt.
Trong chương này tác giả nói đến việc nắm bắt cơ hội và công nghệ.
Công ty vĩ đại biết chọn lọc cơ hội, cũng như chọn lọc công nghệ phù hợp. Không đuổi theo cơ hội cũng như chạy theo công nghệ.
Qua nghiên cứu tác giả cho thấy công nghệ không làm bứt phá làm công ty trở nên vĩ đại. Nó chỉ góp phần làm chất xúc tác cho đà phát triển mà thôi.
Điều này khiến mình hoài nghi với các công ty lớn hiện nay có xu hướng chạy theo cơ hội, thử sức ở tất cả các mảng có khả năng kiếm lời mà không tập trung vào phần core của mình. Không rõ tương lai các công ty này sẽ ra sao.
Cơn bão Blockchain vừa qua, khá nhiều ông lớn cũng nhảy vào cuộc như Line, Rakuten, DMM… Không rõ các công ty này đơn thuần chỉ chạy theo công nghệ hay họ nhìn ra được công nghệ này sẽ giúp thúc đẩy core của họ phát triển.
Với khả năng của mình thì chả thể nói được gì, đành chờ đợi xem sao.
6. Bánh đà và vòng luẩn quẩn
Một chiếc bánh đà nặng muốn di chuyển thậm chí tăng tốc cần những lực tác động ban đầu nhỏ nhưng đều đặn là liên tục.
Khi chiếc bánh đà vào quỹ đạo nó sẽ tăng tốc dễ dàng.
Sự nhảy vọt của công ty vĩ đại là một quá trình được tích luỹ dần dần ngày qua ngày, chứ không phải là một bước chuyển mình trong một sớm một chiều.
Vòng luẩn quẩn là việc công ty thay đổi trọng tâm từ mảng này sang mảng khác mà không tập trung vào core, tạo nên sự phân tán mà dẫn đến thất bại. Việc thử nhiều mảng khác nhau để tìm được core
Từ vĩ đại đến trường tồn
Để trường tồn công ty cần luôn giữ được giá trị cốt lõi của mình.
Lấy ví dụ như Cookpad họ coi việc nấu ăn là niềm vui và muốn giúp việc nấu nướng trở nên dễ dàng và thú vị hơn. Đó có thể coi là giá trị cốt lõi. Việc cần làm tiếp theo là giữ vững giá trị này.
Đánh giá chung
Mình chưa có đủ hiểu biết về nhiều công ty để nhận xét về cách quan điểm tác giả đưa ra. Tạm thời đọc để hiểu thêm về một góc nhìn thú vị.
Nếu áp dụng những quan điểm của tác giả đưa ra trong cuốn sách để tìm được công ty có khả năng trở thành vĩ đại cũng không phải chuyện dễ.
Nếu nhìn một công ty từ bên ngoài, ta khó có đủ thông tin về lãnh đạo, việc tuyển người, đường lối công ty để đánh giá.
Có thể dùng để đánh giá một công ty mà ta có hiểu biết, như công ty ta đang làm việc.
Nhiều khái niệm tác giả đưa ra vẫn chung chung, nói chiều nào cũng đúng, như việc một công ty từ bỏ ngành đang kiếm được lợi nhuận để nhảy sang ngành mới. Nếu công ty đó thành công, việc này được coi là sáng suốt, nhìn thấu tương lai. Nếu thất bại thì coi đó là tự bỏ bánh đà đang phát triển, mắc trong vòng luẩn quẩn.